Thủ công nghiệp Kinh_tế_Việt_Nam_thời_Hồng_Bàng_và_An_Dương_Vương

Trống đồng Ngọc Lũ loại I

Miền Bắc Việt Nam vốn có nhiều mỏ kim loại như các mỏ vàng, bạc, chì, sắt, đồng... Khu vực tương đương với các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa... có hàng chục mỏ đồng. Những mỏ này thường nhỏ, nông và lộ thiên, thuận tiện cho cách khai thác giản đơn. Đó là điều kiện đầu tiên để phát triển nền văn hóa đồ đồng.

Luyện kim

Trống đồng Sông Đà trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp. Dao găm có trang trí hình người ở chuôi dao.

Thành tựu nổi bật về thủ công nghiệp của thời kỳ này là kỹ thuật đúc đồng[10]. Những sản phẩm tiêu biểu là trống đồng, mũi tên đồng và lưỡi cày đồng. Trống đồng là biểu tượng của quyền uy, mũi tên là vũ khí săn bắn và chống giặc, lưỡi cày đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp[11].

Ngoài ra, người Việt thời kỳ này còn đúc đồng làm nhạc khí, đồ trang sức, vũ khí và các dụng cụ gia đình như thạp, thố, thuổng, lưỡi câu, tấm che ngực, dao găm, qua, vòng ống tay, vòng ống chân, chuông nhạc, xà tích,...[12][13].

Những trống đồng đẹp nhất mà các nhà khảo cổ tìm được là trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, sông Đà, Cổ Loa, có kích thước lớn, hoa văn sắc nét đến từng chi tiết. Đương thời, trống đồng là sản phẩm kỹ thuật cao của sự kết hợp giữa đồng với thiếc nhưng chưa biết tới việc cho thêm chì vào hợp kim[14]. Ngày nay, người ta đã thử nghiệm việc đúc lại trống đồng cổ nhiều lần nhưng vẫn chưa thực sự đúc được những chiếc trống hoàn chỉnh như thời xưa và các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá ra bí ẩn của kỹ thuật đúc trống đồng thời kỳ này[15][16].

Thời kỳ này, người Việt đã có những bí quyết nghề luyện đồng, biết sử dụng ít nhất 11 loại hợp kim[17], trong đó có khâu rất quan trọng là đắp lò và tạo khuôn. Với nguyên liệu khá dồi dào, nghề đúc đồng đã phát triển mạnh mẽ, phục vụ tích cực cho nền nông nghiệp[17].

Nghề đúc đồng, chế tác kim loại phát triển được xem là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện xã hội[12]. Ngoài đồ đồng, các nhà khảo cổ ghi nhận sự xuất hiện những sản phẩm đồ sắt trong thời kỳ này[18].

Nghề làm đồ đá

Vốn có từ thời cổ, tới thời kỳ này vẫn tồn tại, dù không còn được chú trọng như trước. Di tích khảo cổ thời kỳ này vẫn có những công cụ lao động bằng đá.

Ngoài mục đích làm công cụ sản xuất, nghề làm đồ đá còn tạo ra đồ trang sức như vòng bằng mã não, đá jade và nephrite[19][20].

Nghề làm đồ gốm

Đồ gốm chủ yếu sản xuất vật dụng phục vụ đời sống như các đồ đun nấu và đồ đựng. Các bình gốm ở phần miệng, rìa miệng, đoạn eo thắt ở cổ đều đặn, song song chạy quanh thân gốm, loại hình sản phẩm gốm phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng nghề gốm thời kỳ này vẫn tồn tại lẻ tẻ trong công xã thôn xóm, chưa trở thành ngành sản xuất[21]. Dù có những tiến bộ kỹ thuật nhưng sản phẩm gốm thời kỳ này vẫn chưa qua giới hạn làm gốm thô[20].